Keo dán chỉ gỗ công nghiệp

Đối với các sản phẩm nội thất cao cấp hiện nay, bên cạnh yêu cầu nguyên liệu chất lượng cao, cốt chống ẩm đạt chuẩn châu Âu thì độ bền của sản phẩm cũng phụ thuộc rất nhiều vào độ bền của loại keo dán cạnh. Đặc điểm của các tấm ván gỗ công nghiệp sử dụng trong thiết kế nội thất thường có đặc tính hút ẩm từ không khí nên nó có thể nở ra. Do đó, sử dụng loại keo dán cạnh chất lượng sẽ giải quyết triệt để được vấn đề này. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp cũng như các xưởng sản xuất đồ nội thất đều đang sử dụng keo nóng chảy EVA để dán cạnh gỗ nhờ khả năng kết dính tốt trên nhiều chất liệu, dễ dàng sử dụng dễ bảo quản và vận chuyển. Loại keo có thể được dán bằng tay hoặc sử dụng các loại máy dán keo đại trà trong các xưởng thủ công hay các nhà máy sản xuất nội thất. Tuy nhiên, dù được sử dụng phổ biến trong ngành nội thất hiện nay, nhưng loại keo này vẫn còn hạn chế về khả năng bám dính. Điều này dễ dàng được nhận biết sau quá trình sử dụng sản phẩm. Đó là hiện tượng các cạnh của cánh tủ, chân tủ tại khu vực thường xuyên ẩm ướt và tiếp xúc nhiều với nước, đặc biệt là bếp ăn, sau 1- 2 năm sử dụng đã bị bong tróc, phồng rộp do môi trường có độ ẩm cao. Để giải quyết vấn đề này, việc thay thế sử dụng keo nóng chảy PUR (Polyurethane – keo chống thấm nước) là một giải pháp hữu hiệu nhất. Polyurethane viết tắt là PUR-adhesive thường được dùng cho các sản phẩm cao cấp, đòi hỏi độ bền dính của keo. Ở nhiệt độ130oC – 180oC, keo PUR nóng chảy tạo thành một liên kết bền vững hơn nhiều so với keo dính truyền thống EVA. Keo PUR cũng là tiêu chuẩn bắt buộc phải sử dụng trong các sản phẩm nội thất thất tại Mỹ và châu Âu. Keo nóng chảy PUR (keo chống thấm nước) có khả năng dán nhanh, bám dính chắc, tạo độ bền tuyệt đối cho sản phẩm. Do đó, keo dán nóng chảy thích hợp cho những dây chuyền dán liên tục tốc độ cao. Với tính năng chống thấm nước tuyệt đối, keo dán nóng chảy PUR được coi là cứu cánh cho các sản phẩm nội thất sử dụng ở các khu vực thường xuyên bị ẩm ướt như tủ bếp, chân tủ… cũng như các nước có điều kiện khí hậu nồm ẩm như Việt Nam. Tuy nhiên, do giá thành đắt, quy trình sản xuất phức tạp, việc dán cạnh gỗ lại không thể làm thủ công như loại keo truyền thống EVA mà phải có máy móc hiện đại, dây chuyền công nghệ cao nên việc đưa phương pháp dán cạnh gỗ bằng keo PUR vào sản xuất nội thất vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp Việt Nam chú trọng đầu tư. Với người tiêu dùng, trước khi quyết định lựa chọn đơn vị cung cấp nội thất, các công trình nên tìm hiểu kỹ công nghệ sản xuất, chủ động tìm đến các doanh nghiệp uy tín có áp dụng công nghệ dán cạnh gỗ bằng keo chống thấm nước PUR để không gặp phải vấn đề bong tróc cạnh gỗ như hiện nay.